Thứ Bảy, 22 tháng 1, 2022

Thèm Chút Xuân Nồng

 

(Photo sưu tầm)


Hò: 


Hò ơ!

 
Quê em ít mưa nhiều nắng
Cuộc đời lắm đắng nhiều cay
Vẫn say vẫn nhớ đêm ngày
Không say nắng cháy, mà say tình nồng.
 
Quê em xuân thắm mai vàng
Biển xanh cát trắng mênh mang núi đồi
Ruộng đồng lúa thấm mồ hôi
Ðón xuân môi nở nụ cười xinh tươi
 
Theo em chim sáo kiếm mồi
Ễnh ương hòa tấu những bài tình ca.
  
Tiết xuân mưa gió chan hòa
Táo xanh nho đỏ, hương hoa thơm nồng
Thanh long những chiếc đèn hồng
Trái căng tròn mộng ước mong duyên lành.
 
Con quạ rình cá bờ mương
Con cò rỉa cánh trên lưng trâu cày
 
Xuân về sóng giạt chân mây
Thuyền về tôm cá khoang đầy đầy khoang
Bờ đê sông lượn uốn quanh
Như nhộng bày trẻ tắm truồng vô tư.
 
Xuân nay lưu lạc quê người
Lấy chồng xứ lạ mảnh đời đắng cay
Xuân sang vắng bóng cành mai
Tuyết rơi nhòe nhoẹt tim côi nhoẹt nhòe!
 
 Xuân càng nhớ mẹ nhớ cha
Muốn thăm chẳng được, muốn về không xong!
Ôi chao thèm chút nắng hồng!
Ôi chao khao khát xuân nồng quê em!
 
Bửu Truyền


Thứ Năm, 6 tháng 1, 2022

Lý Toét - Xã Xệ Ăn Tết

             Trước Lễ Giáng Sinh một tháng, hắn đã dọn nhà đi tiểu bang khác. Hắn chìu theo ý của vợ. Lệnh Bà... Xã!

             Bà không chịu lạnh được. Bà không thích tuyết! Bà thích nắng như ở quê Bà.  Bà là "Người Việt gốc... mắm"! Đương nhiên! Nhưng hổng biết Bà gốc... mắm gì? Mắm tôm? Mắm ruốc? Mắm cá linh - cá sặc? Chắc hổng phải mắm... bò hóc - Sóc-xà-bai? 

            Bà từng bật mí "bí mật" về gốc gác của Bà. Rằng thì là... Bố, Bắc Di Cư 1954. Gặp Mẹ tại... Huệ (Huế), sanh Bà tại... Cái Vồn, Cần Thơ. Gặp hắn, yêu hắn và bắt... lấy hắn làm chồng tại Sègòn (Sàigòn). Và tự cho Bà là người Saigonnaise ăn me, ăn cốc... chánh cống 72 phần dầu xà-bông Cô Ba.

             Có lẽ, nhờ pha trộn nhiều thứ mắm mà Bà... Xệ! Béo! Mập! "Thùng phuy biết đi"! Từ trong nhà ra ngoài cửa, Bà có mỹ danh Bà "Xã... Xệ"! 

            Xin nói ngay. Bà là "Bà Xã... Xệ" Không liên quan gì đến nhân vật bằng tranh vẽ Xã Xệ do Bút Sơn (người Sài gòn) hí họa. Xã Xệ xưa là đàn ông, béo phì như heo, đầu trọc lóc, chỉ có một sợi tóc... quăn như đuôi.. heo (lợn) đăng trên báo Phong Hóa, năm 1934. Xã Xệ xưa là bác nhà quê cổ hủ, ngây ngô ra tỉnh, có những suy nghĩ "tréo ngoe, tréo cẳng ngỗng" trước sự đời, sự việc mắt thấy tai nghe. Kể chuyện đời trên báo. Có duyên! Đáng mắc cười!

             Theo các "nhà toán học xóm Bàn Cờ" "Bà Xã Xệ" là con số "Không" to tướng! Quá khổ! Có vẻ "bự con" hơn... Ông Xã Xệ xưa. Bà khá "đanh đá", "chanh chua".  Nói chuyện nhà mình cho cả xóm giềng nghe. Vô duyên! Đáng bật khóc!        

             Còn ông? Không! Còn hắn thì sao? Số mấy? Có "đáp án" ("từ" sau 75 - đáp số) ngay: Hắn là con số 1 (một)! Các bà Tám kể cả các Ông Tám từ Chợ Bàn Cờ, chợ Vườn Chuối, cho tới chợ Nancy, Chợ Vườn Lài, Chợ 20 (góc Cao Thắng và đường 20, tức Phan Thanh Giản, nay là ĐBP), chợ Chuồng Bò, Ngã Bảy, chợ Cá Trần Quốc Toản đều "rành sáu câu" về hắn!

             Phải tính luôn các chợ Xóm Chiếu, Tân Định, Đa Kao, Cầu Muối, Cầu Ông Lãnh, Cầu Kho, Da Bà Bầu, rồi  Cây Thị, Cây Quéo, v. v... Đã là bạn hàng đều biết mặt mũi hắn!

             Hổng phải hắn ngon lành, khôn lanh, giỏi giắn hơn người, gì gì... đâu!  Nhiều chợ biết đến hắn, là do hắn từng là anh chàng đạp xích lô, rồi qua chạy xe xích lô máy chở các "bạn hàng" đến các chợ lân cận chợ Bến Thành.

             Thân hình hắn ốm nhách! Hắn cũng vốn là một "ông nhà quê lên tỉnh". Lên Sài Gòn làm thuê, phu khuân vác bến Cảng, Kho Năm. Từng bị "cặp rằng" bóc lột, nhũng nhiễu, đày đọa. Hắn chịu đựng cam khổ. Ngày đi làm, tối đi học thêm. Cuối cùng cũng đỗ đạt, thành tài. Có vợ, có con, có nhà cửa "đàng hoàng"! Hắn chưa từng làm "Lý trưởng" và mắt không bị "toét"! (Tiếng Bắc Kỳ. Còn Nam Kỳ Lục Tỉnh hay Trung Kỳ "xứ nẫu" gọi "mắt bét" - Mắt bị gió cát làm hoen đỏ mi mắt). Nhưng, hắn cũng có "ria" tua tủa như rễ tre, tóc búi "củ tỏi". Đầu không khăn đóng. Chi mặc áo dài vào những khi giỗ quãy. Không cắp ô (dù). Không dép cặp nách như Lý Toét của Nhất Linh Đông Sơn và bao nhiêu họa sĩ khác sau đó.

             Hắn ốm cà-tong, cà-teo như con khô! Gầy như cây tre miễu (miếu). Không khác mấy (gì) cây nêu đình làng, hay cây nêu trồng trước nhà Ông Bà Nội vào trưa  23 tháng Chạp, khi cúng đưa Ông Táo về chầu Ngọc Hoàng. Hoặc được dựng lên chậm nhứt là vào chiều Ba Mươi, lễ Rước Ông Bà Tổ Tiên về "Ăn Tết" với con cháu.

              Bạn hàng chợ quen gọi hắn là "Lý Toét" để "đối chọi" lại "Xã Xệ"  bà vợ hình vóc "nái xề" của hắn.

                        Nhưng người xóm láng giềng ở Tiểu bang "tuyết lạnh tình nồng miền Đông Bắc Mỹ, mà vợ chồng hắn vừa mới rời khỏi, nhớ nhiều, là qua hình ảnh "Ông Bà Già Noel" một gầy một béo này.

             Bây giờ gia đình hắn đã "xuôi Nam" bằng chiếc U-Haul truck mướn kéo theo chiếc xe nhà "Mẹc-xi-đì" (Mercedes-Benz 360) cổ lổ sỉ của hắn. Qua mấy ngày đêm "bầu đàn thê tử' của hắn đã đến nơi... An nghỉ! Vợ hắn đang thả hồn theo mây gió!

               Tết ta, Tết Âm lịch, đã đến nơi. Hắn đang tất bật sắp xếp, trang trí trong nhà; còn ngoài sân vườn, tính sau. Hai thằng con trai 13, 15 tuổi, sanh tại Mỹ, mà giỏi hết chỗ nói! Nói đúng giọng Việt, không ngọng nghịu! Vợ chồng hắn dạy con: Ở Trường nói tiếng Anh, về nhà nói tiếng mẹ đẻ, Việt Nam". Các con không cần Ba biểu, mẹ sai, làm tất tần tật. Cười nhiều! Ít nói! Đứa con gái 10 tuổi là giỏi nhứt. Lăn xăn bên Ba. Một "nữ hầu cận" đắc lực! Việc gì cũng nhào vô phụ. Chân như sáo. Miệng như cưỡng:

             - Con biết rồi! Con làm được! Ba làm việc khác đi!

             Bàn thờ Ông Bà được hắn đặt vào một phòng trên lầu. Cầu thang vừa bước lên đã thấy. Bộ chưng đèn lư lửa, ngũ sự bằng đồng được hai đứa con trai lau chùi, đánh bóng sáng loáng. Tất cả các con tự chọn phòng cho mình; ngoài trừ "master bedroom" với cái giường bự nhứt, đặc biệt cho "Bà Xã  Xệ".

             Việc dọn nhà coi như tạm ổn định! Bà Xã Xệ bàn ngay vào việc chuẩn bị cho "Ba Ngày Tết". Bà kêu hắn chở đi chợ sắm Tết. Đất lạ, người hổng quen. Biết chợ ở mô? Hắn gọi thằng bạn nối khố:

             - Ê mày! "Thằng dụ dỗ" gia đình tao dọn về đây là do mày! Mày là "Thổ địa", hùng cứ từ khi vượt biên sang đây. Mày là một "Quảng cáo viên không công", một chuyên viên "dụ" nhiều bạn "mu" (move) về đây.  Rảnh hông? Chở tao đi chợ cái coi!

             - Tuân lệnh!

              Đầu dây bên kia trả lời có vẻ sốt sắng, ngoan ngoãn.

              "Thằng dụ dỗ" - tên do Lý Toét đặt - suốt tuần qua, đã tận tình giúp đỡ, chỉ vẽ rất chi li, đón rước, phụ dọn, giúp trang trí. "Thằng dụ dỗ" còn nói rõ, nhắc tới, lập lui những tập tục, văn hóa, chánh sách địa phương, xóm láng giềng, ngày giờ đem thùng rác ra đường, v.v... cho hắn nghe, hắn nắm!

             Thằng bạn, "thằng dụ dỗ" mà hắn kêu (gọi) là "mày" và xưng "tao" trong vòng 5 phút đã "trình diện", "phụng mệnh" làm "hướng dẫn viên du lịch" cho vợ chồng hắn, Lý Toét và Bà Xã Xệ!

             - Mày đưa tụi tao tham quan phố thị "downtown" một vòng cho biết. Rồi lướt qua Phố Tàu.  Quan trọng hơn, nơi cần đến là... Phố Việt Nam! Chợ Việt Nam! Nghe chưa?!

             Lý Toét tỏ ra vẻ cấp trên nói như ra lệnh.

             Đến nơi, hắn xuống xe, theo bà vợ đang chậm chạp, "bê" thân hình quá "xệ"  đi vào chợ mua vài vật dụng cần thiết và những phẩm vật cúng Ông Táo. Ngày mai là 23 tháng Chạp rồi!

             Trước khi về đến nhà, hắn - Lý Toét - nhắc bạn:

             - Hẹn mày vào sáng 28 sẽ  đi chợ Tết, nghe mậy! Vợ tao cần mua đồ nấu bánh tết, bánh chưng, bánh ú, bánh ít nhưn (nhân) dừa, nhưn đậu xanh. Bả liệt kê những món đồ cần mua, như một lá sớ Táo quân đây nè mày:

             Nào nếp, bột nếp, dừa nạo, đường cát trắng, đường cát nâu, lá chuối, lá dứa, đậu xanh cà đã đãi sạch vỏ, thịt ba chỉ (ba rọi). Rồi, nào muối, tiêu hột, tiêu xay, hành tím, va-ni (vanille), đậu phộng, dầu  ăn. Cuối cùng là giấy bọc (wrap), dây nhợ để cột, dây thun để buộc hờ, v.v...

             Sáng sớm, "Thằng dụ dỗ" đã đến, kêu Lý Toét lái xe của mình chạy theo.

             Vợ hắn lần lượt mua hết thứ này đến thứ khác, bỏ vào xe "car mart" cho hắn đẩy "lót tót" theo sau. Hắn dịu dàng nhắc vợ lựa hai trái... sầu riêng, món mà hắn "khoái khẩu", mê nhứt.

             Lý Toét quay sang hỏi bạn:

             - Mày thích Mâm Ngũ Quả "chôm đủ xài" phải không?

             - Bậy! Tao thích "Cầu vừa đủ xài" thôi!

             Bạn hắn trả lời. Cả hai cùng cười!

              Hai bạn cùng đi tìm quầy bày dưa hấu, thơm (khóm), chuối, mãn cầu, nho, táo, bông hoa, nhang, đèn, v.v... để chưng trên Bàn Thờ cúng Ông Bà.           Lý Toét lựa chọn và mua cho "Thằng dụ dỗ" và mình mỗi người hai cây tắc (hạnh, quất) sai oằn trái, một cành mai và một cành đào thứ thiệt, không phải cây gắn bông nylon. Hắn không quên mua mấy trăm bao lì xì in chữ quốc ngữ, Việt Nam, và cả chục phong pháo, có cả pháo tống.

            Về đến nhà, vợ hắn đã bày hàng ra đầy cả bếp. Vợ "thằng dụ dỗ" cũng đã qua giúp một tay. Chị này là người Bắc chính cống, theo bố mẹ xuống "tàu há mồm" vào Nam năm 1954, giỏi nữ công gia chánh. Chị gói bánh chưng. Nghề gia truyền của mình. Hai đứa con gái của chị phụ xé và lau lá chuối.

             Bà Xã Xệ chuyên trách về bánh Tét. Ngoài bánh tét nhưn (nhân) chuối, còn gói bánh tét kiểu Trà Cuôn - Trà Vinh. Bánh khi cắt ra khoanh, nhưn có ba màu. Tím - lá cẩm. Xanh - lá dứa, hoặc là bồ ngót. Cam - trái gất.

             Bà Ngoại, má của Bà Xã Xệ, tóc bạc phơ, môi đỏ au vì miếng trầu đang nhai, ngồi xếp bằng trên sàn nhà, gói bánh ít hai nóc. Nhưn dừa thì xé một chút lá trên nóc bánh, làm dấu. Bánh nhưn đậu xanh khỏi cần. Bà người gốc miền Trung, cho nên, bà cũng đã gói thêm vài chục cái bánh cấp, bánh cúng nhưn đậu phộng. Bà ngoại làm vừa nhanh, vừa đẹp, vừa dòm quanh chỉ bảo, nhắc nhở các con cháu kỹ thuật gói bánh. "Thằng dụ dỗ" và "Lý Toét" phụ, giúp cột bánh "mệt nghỉ luôn"! Người thì chăm chỉ buộc bánh chưng. Kẻ miệt mài lo bó bánh tét. Coi bộ cũng... đã thành thạo, "có tay nghề" dữ đa! 

            Từ trưa đến chiều tối việc gói bánh coi như xong. Bánh đủ chia cho hai nhà và một số bạn bè. Chỉ còn việc nấu bánh. Vì gạo nếp chỉ vo vút, để sống, không hấp, trụng trước, "Bà Xã Xệ" nhắc hắn phải nấu, luộc bánh trong 8 đến 10 tiếng đồng hồ bằng nồi áp suất. Bánh tét nấu riêng. Bánh chưng luộc riêng.

             - Vậy là phải thức suốt đêm! Hở?

             Hắn hỏi vợ một cách khổ sở! Đáng thương hại!

             - Chớ sao! - Vợ hắn gằn giọng - Anh phải canh chừng khoảng 2 tiếng là châm thêm nước. Coi chừng bánh khét! Khoảng 4 tiếng, phải trở đầu bánh, cho chín đều! Sau 10 tiếng vớt bánh ra cho vào thau nước lạnh rồi vớt treo lên cho ráo nước. Nhớ nhen!

              Bà Xã Xệ còn nói như tự đánh bóng:

             - Bây giờ các ông nấu bánh bằng nồi áp suất, bếp gas, khỏe muốn chết! Có đâu như ngày xưa, tụi này ở dưới quê, phải nấu bằng củi đước, củi bần, bằng xơ dừa. Khói mịt mù! Vừa nóng, vừa sặc khói, vừa ho chảy nước mắt. Còn phải quạt lửa, chụm củi mỏi tay luôn! 

            Vợ "thằng dụ dỗ" tỏ vẻ thông cảm:

             - Để giết thì giờ, hai ông bày rượu ra nhậu, nói chuyện xưa tích cũ, thời mà hai ông ở truồng tồng ngồng nhảy cầu khỉ tắm sông. Chuyện chèo xuồng ba lá qua bên cù lao hái trộm xoài, ổi, ... bị Ông Năm Trầu rượt chạy tóe khói, rớt xuống sông. Bà con ai cũng chạy mặt hai thằng "cu tèo" một thằng cao như sếu (bây giờ là "Lý Toét", một thằng lùn mà lối (bây giờ là "Thằng Dụ dỗ" đó!

             Ngừng một chút như để xem phản ứng của hai "cha nội" (ừ, mà hai ông cũng sắp làm Ông nội), uống một phần ly trà đá, chị nói tiếp:

             - Thường ngày, hai ông nhiều chuyện lắm mà! Nói điện thoại cả hai, ba tiếng đồng hồ chưa dứt. Bây giờ, mỗi ông canh chừng một nồi bánh, coi như đang hàn huyên tâm sự về thời "tiền 1975" lúc hai ông từ giã ghế nhà trường, tòng quân ra chiến trận. Ngày xuân được các em gái hậu phương gửi thư, tặng khăn. Thỉnh thoảng có các ca sĩ đến tận tiền đồn, đứng trên "lô-cốt" (blockhaus) như Ngọc Minh, Phương Hồng Quế, v.v... hát không cần micro.

             Và thời "hậu 1975". Các ông "được học tập cải tạo" 10 ngày hóa "mút chỉ cà tha" tại những "trường" do chính mình chặt cây, cắt tranh dựng lên trong nắng cháy, sương lạnh, gió thét mưa gào. Trời khóc, đất than cho vận nước suy vong, dân tộc bên bờ vực thẳm, khốn khổ điêu linh. Lao động khổ sai. Phá rừng trồng bobo nơi khỉ ho cò gáy, rừng thiêng nước độc! Ngày Tết, vợ con đến "thăm nuôi" bằng những chiếc bánh "thắt lưng buộc bụng", những lon Guigoz thư lèn trong muối đậu. Môi cười miệng khóc!

             Ra trại. Người vượt biển trước. Kẻ trốn bằng đường bộ sau! Mỗi người một tiểu bang. Tết này gặp nhau. Mặc dầu không trọn vẹn; nhưng cũng tạm gọi là Tết đoàn viên!

              Bà Xã Xệ chen vào:

             - Anh Lùn hát hay, anh cao Lý Toét đàn giỏi. Mời hai ông "đàn hát cho nhau nghe" đi nào!

             Tiếng đàn, tiếng ca tài tử đã chuyền sức nóng, cái quốc hồn quốc túy vào các nồi bánh tét, bánh chưng, Và bánh đã chín tự bao giờ!        

             Đồng hồ thong dong gõ 12 tiếng.

             Giao Thừa đã điểm! Tết Nguyên Đán đã về!            

             Tiếng pháo nổ ròn tan trước hiên nhà.    

             Người ta thấy hắn đường hoàng trong bộ quốc phục, áo dài khăn đóng, chân mang hài đen lóng lánh hột... "xàng"! Hắn đẹp hơn Lý Toét chính cống thuở 1934 trên báo Phong Hóa và Ngày Nay. Hắn đang thành khẩn dâng hương trước bàn Thờ Gia Tiên nghi ngút hương trầm. Hắn không còn là một Lý Toét quê mùa, dân dã! Hắn là một Lý Toét của thời đại 4.0. Hắn đã từng "ăn Tết" giữa cơn mưa pháo. Hắn đã "đón Tết" giữa ngục tù CS. Hắn đã "mừng xuân" trong trại Tỵ nạn. Và hắn đang "chào mừng năm mới" đầy đủ hương vị, phong cách, truyền thống Việt Nam trên quê hương thứ hai này.

              Vợ hắn, trông có vẻ "sụt ký lô" nhưng vẫn bệ vệ, núng nính trong chiếc áo dài gấm đỏ mang hình con rồng vàng uốn lượn như hình dáng bản đồ đất nước Việt Nam. Và hơn nữa, bà mang trong tim, trên người giồng giống "con Rồng cháu Tiên". Các con hắn quỳ bên mẹ đang ngồi xếp chè he, xì xụp vái lạy, lâm râm cầu nguyện. Mẹ vái, con vái. Mẹ lạy con lạy. Hồn nhiên như cái máy! Có thể Tết năm nay, các cháu đã hiểu thêm chút ít về thuần phong mỹ tục, về văn hóa tốt đẹp ngàn đời của Ông Bà Cha Mẹ.  Các cháu đã tham gia trực tiếp vào các công việc chuẩn bị Tết. Đón Tết! Vui xuân! Cả ba đứa con hắn đã tham gia sinh hoạt Cộng đồng trong Hội Chợ Tết với các tiết mục ca vũ nhạc. Được nhiều bà con tán thưởng!

              Bà Ngoại được các con, cháu khoanh tay trước ngực "chúc mừng năm mới". Chúc Bà "sống lâu trăm tuổi"! Bà cười tủm tỉm! Mắt Bà rưng rưng! Bà rưng rưng mắt lệ lì xì cho các cháu ngoan.

             Bạn hắn "Thằng Dụ Dỗ" và vợ cùng các con là những người "xông đất" nhà hắn đầu năm. Chúc Tết và lì xì cho các con của nhau. Rồi hai gia đình cùng đưa nhau đi lễ "hái lộc đầu năm".

             Tiếng trống chuông chùa rộn ràng hòa trong tiếng pháo vang rền. Xác pháo như mưa xuân bay đầy trước cổng Tam Quan. Gió tung lên trời cao. Mang ước vọng của Lý Toét - Xã Xệ, những người con tha hương đến đồng bào ruột thịt, chúc mau qua cơn đại dịch Covid 19 - Vũ Hán. Đưa niềm tin yêu nguyện cầu cho con dân Việt Nam sớm đón Tết đoàn viên, một mùa xuân ấm no hạnh phúc.

             Với hương xuân bát ngát, pháo đỏ bánh chưng xanh, dưa hành củ kiệu, Bồ đào mỹ tửu, Bà Xã Xệ  cao hứng lấy đàn đưa cho chồng và kêu các con lại cùng hát bài "Ly rượu mừng xuân".

             Và với lòng nhớ nước thương nòi, thi hứng dạt dào, Lý Toét khai bút đầu xuân bằng hai câu đối: 

"Trâu già qua đời dân mất hết tự do dân chủ

Cọp trẻ đến thác nước không còn độc lập hòa bình"

 Bửu Truyền



Thứ Bảy, 25 tháng 12, 2021

Chủ Nhật, 3 tháng 10, 2021

Góc Nghiêng Không Hẹn

Em chờ từ cõi trăm năm hẹn
Khăn áo màu trăng úa giống trăng
Xuôi ngược giữa dòng trôi ngược dốc
Màu yêu màu nhớ sánh đâu bằng
 
Anh về từ góc nghiêng không hẹn
Ánh mắt nhìn nhau thoáng sững sờ
Tóc rối vì sao em biếng chải
Để từng cuộn rối rớt trong thơ ?
 
Điều chia ly đó xưa từng đến
Chẳng ước đâu em chuyện vá trời
Chỉ ước bàn tay em bé bỏng
Nắm truyền hơi thở của nhau thôi
 
Ngày rơi chiều xuống bao niềm nhớ
Như nắng như mưa rát cuộc trần
Như những dòng sông buồn lạc bến
Đôi bờ em có thấy bâng khuâng ?
 
Thì thôi nếu có nghiêng sầu cũ
Ngan ngát hồn anh cuối vực này
Em hãy, cho dù như suối cạn
Chảy vào sa mạc thiếu mưa bay
 
Nhược Thu
 
*****
 (Họa): 
 
Góc Nghiêng Trời Ngửa Mặt Mưa Bay


Mắt nhìn âu yếm trao lời hẹn
Mây nhuộm tóc mây nghẹn bóng trăng
Tình tỏa hoa tình thơm đỉnh dốc
 Nhụy bay hương nhụy ngát đồng bằng.
 
Ngày nao mình gặp góc không hẹn
Đèn nhắm mắt, trăng thẹn sững sờ
Năm ngón tay anh như lược chải
Tóc huyền buông cuộn chảy nguồn thơ!
 
Nhân duyên khởi, mộng về mơ đến
Thành bại tại ta, không tại trời
Tình mới chớm tăng thêm nóng bỏng
Nghĩa đang nồng, giốc nặng thêm thôi!
  
Mưa ngâu tháng Bảy đong niềm nhớ
Tuyết lạnh chiều đông ngấn lệ trần
Ai biết đục trong, chưa đổ bến
Biết yêu nhau rồi, biết bâng khuâng!
 
Tình nào đẹp cho bằng tình cũ
Quên được sao, trọn đủ kiếp này!
Chén rượu đào mèm say, uống cạn
Góc nghiêng trời, ngửa mặt, mưa bay!
 
 Bửu Truyền




Thứ Ba, 8 tháng 6, 2021

Nếu Hồn Tôi Chuông Gió

Nếu hồn tôi chuông gió
Ngân nga tận ngàn trùng
Vọng rừng hoang,núi độc
Dội biển sâu, trời xanh
Xó trại tù cải tạo
Góc hoang đảo khốn cùng
  
Hồn chuông đem sức sống
Tiếng chuông mang hy vọng
Người lành bị cướp đất
Dân nói bị bịt mồm
Lính tàn phế vất vưởng
Đọa đày tù lương tâm


Nếu hồn tôi chuông gió
Tôi rung dội không ngừng
Xoa rên than ngoắc ngoải
Người vô tội khẩu cung
Khóc mạng người lính trận
Giữ nước thà chết vinh
 
 
Hồn chuông tìm an ủi
Bao cô thế ức oan
Hòa giọng đòi quyền sống
Ru tiếng gọi quê hương
Tôi rền vang điệu nhạc
Khúc bình Ngô quân hành
 
Hồn tôi nhập hồn nước
Cùng dân tôi một lòng 
Chuông gióng rền tâm huyết
Gió góp lửa đấu tranh
Thắp tự do dân chủ
Thổi rộn ràng non sông


Chương Hà
 
 *****
 

Hoạ:
 
Chuông Và Gió


 Anh là chuông, em gió
Thanh âm hóa muôn trùng
Giai điệu không đơn độc
Tiết tấu thẫm màu xanh
Giao hòa trên sáng tạo
Đưa nhau đến tận cùng!
 
Gió cho chuông sức sống
Chuông cho gió hy vọng
Gió man mát trời đất
Chuông vì gió khua mồm
Gió làm chuông vất vưởng
Gió lặng, chuông tịnh tâm.
 
Nếu em chuông, anh gió
Thổi hiu hiu không ngừng
Tiếng chuông không ngắc ngoải
Vang dội tận âm cung
"Cởi cà sa ra trận"
Hy sinh bất cầu vinh!
 
Chuông, tiếng mẹ an ủi
Xóa bao nỗi nghiệt oan
Cho con thêm sức sống
Yêu nước, yêu quê hương.
Gió rung chuông thành nhạc
Dạo khúc Tỳ Bà Hành
 
Chuông gọi hồn sông nước
Gió nổi lên! Bão lòng!
Anh, tiếng chuông nhiệt huyết
Em, ngọn gió đấu tranh
Thổi bùng đuốc dân chủ
Chuông gió rền núi sông!
 
 
Bửu Truyền
 


 ****
 
Hồn Tôi Chuông Gió
 
Anh đã đến như gió trong vườn chiều
Gió lung lay từng chiếc lá, nụ hoa
Treo trước hiên nhà Hồn Tôi Chuông Gió
Vang khúc ân tình rộn rã những yêu thương
 
Anh đến từ đâu? Gió đến từ trời
Gió mang tình của hoa thơm cỏ mới
Gió đuổi theo trăng cùng trăng tình tự
Tôi mơ màng, chuông gió ngân nga.
 
Hồn Tôi Chuông Gió vào mùa heo may
Cơn gió lạnh khiến tôi run lên nhè nhẹ
Và dù mưa ướt tôi vẫn ngân vạn lời thơ
Vẫn gọi tên anh, anh nào có hay!
 
Dù ở đâu tôi vẫn là tôi với gió
Dù ở đâu tôi cũng vẫn chờ đợi anh
Tôi vẫn thức khi màn đêm buông xuống
Tôi vẫn mơ khao khát gió ban ngày
 
Tôi chỉ là tiếng chuông gió ngoài kia
Lòng người vui khi tôi lên tiếng
Nhưng mỗi khi tôi buồn nào ai có hay!
Khi gió thôi không về hồn tôi chết lặng
 
Và khi bão đến trong đời
Như hôm anh lìa xa không đến nữa
Tôi quay cuồng ngã nghiêng trong gió
Bật tiếng kêu thương tiếng khóc nghẹn ngào!
 
NT Thanh Dương
 
 *****
 
(Họa):
 
Tình Chuông Với Gió
 
 
Cánh hồng khẽ lung lay ánh nắng chiều
Như có bước ai trên lá, trên hoa
Chuông treo trước cửa vẫy chào đón gió
Giọng đồng pha thổ ai đó? Người thương!?
 
Là gió, anh đến, (anh) đi khắp phương trời
Lòng chan chứa bao lời yêu đương mới
Là chuông, em đợi anh về tình tự
Vui bên anh, tiếng hót chim thiên nga.
 
Chiều cuối thu se lạnh gió heo may
Co ro cúm rúm chuông run run nhè nhẹ
Mưa tuyết đan xuyên mơ màng dệt mấy vần thơ
Liên vận liên vần độc vận mà hay!
 
Lý nhân duyên chuông có kêu là nhờ gió
Anh đã tường tim em có mỗi tình anh
Chuông vắng tiếng khi gió im thủy triều xuống
Chuông reo vang theo gió nước lớn giữa ngày.
 
 
Em dõi theo từng hơi thở ai kia
Anh đã đến em vui cất tiếng
Anh giã từ, em chết điếng ai hay!
Mây không hột gió, em chơ vơ nín lặng!
 
 Trời nổi phong ba giữa đời
Nguy khốn, không ai ru hời em nữa
Chuông tan tát cuốn theo chiều gió
Ô hô! Chuông bặt tiếng! Gió nghẹn ngào!
 
Bửu Truyền



Thôi Thì Ta Hay Hết Lòng Với Nhau

Trăm năm trước thì ta chưa gặp
Trăm năm sau biết có gặp lại không?
Cuộc đời sắc sắc không không
Thôi thì ta hãy hết lòng với nhau

 
Một cũng chấp mà hai cũng chấp
Chất chứa trong lòng chi mà khổ
Trăm điều bỏ, ngàn điều cũng bỏ
Thong dong tự tại thế mà vui
 
Thật ở đâu xa thật ở lòng
Cõi lòng thanh tịnh tợ hư không
Mùi hương phảng phất sen thơm ngát
Át cả bùn nhơ chốn bụi hồng
 
Nhận cho về với vô dư
Ta người tan biến giữa hư không này
Bóng vờn lên ngọn tử sinh
Gậy khua đầu gậy giật mình thiên thu
 
 Trăm năm nhìn xuống đời hư ảo
Phút chốc nhìn lên ngộ lẽ trời
Ta trồng hạt giống từ bi
Ngày sau kết trái vô-vi-cúng-dường
 
Nguyện trên khắp nẻo vô thường
Người đi phổ độ vào đường chân như
Thõng tay buông những lụy phiền
Chậm câu hơi thở trên triền trầm luân
 
Lắng lòng trong giọt tham sân
Là khi thiền vị đã gần nơi tâm
Lắng lòng theo những nhịp chuông
Buông dần tục niệm bên tuồng đời kia
 
Miệt mài thương ghét sớm khuya
Rồi mai cũng vất xuống bia mộ mình
Gió ngát rừng hương trăng nở hoa
Trời cao lồng lộng mấy yên hà
 
Một mai ngồi lại bên sông vắng
Mặc khách giang hồ lặng lẽ qua
Vô minh rớt lại ta bà
Soi trong tự tánh thấy ta lại về
 
Thoát ra từ vực u mê
Vô thường được mất có hề chi đâu
Ta về ngồi lại tình hư ảo
Hư ảo không còn chỉ có ta
 
Có không còn mất chẳng bận lòng
Yêu ghét được thua chẳng mong trông
Mở rộng tâm ra lòng thanh thản
An vui tự tại dạ thong dong
 
 Tìm ta một cội nghỉ chân
Giữa chan chát nắng giữa tầm tã mưa
Ngược dòng sinh tử xô đưa
Tìm ta một cội để vừa đủ che
Lối quen khấp khiễng đi về
Gót chân đã mỏi đam mê đã chùng
Ta từ vô thỉ mịt mùng
Bước chưa ra khỏi một vùng nhân duyên
Tìm ta một cội chân nguyên
Vào nương bỗng mất, nhập miền vô ưu…


 Ẩn Sĩ


*****


Mở Lòng Đón Nhau


Vịnh: 
Thân người muôn kiếp đâu dễ được
Phật pháp vạn đại khó lượt nghe
Thiện duyên dễ đã thường e
Căn lành tâm Phật sanh về lạc bang.
 
(Họa):
 
Thuở trước bao đời nào có gặp
Ngàn sau mấy kiếp chắc biết không?
Đạo đời là một cửa không
Có duyên hạnh ngộ mở lòng đón nhau.
 
 Đời vô minh buộc ràng tâm chấp
Chấp có chấp không mang ách khổ
Chấp ngã chấp nhân không xả bỏ
Tham si sân hận làm sao vui?
 
 Phật không xa, Phật tại trong lòng
Thiền định thanh tịnh, khoảng trống không
Không sắc, thinh, hương, vị, xúc pháp
Không ô nhiễm tựa đóa sen hồng.
 
 Còn thêm bớt còn hữu dư
Vô dư trọn vẹn thoát ra cõi này.
Cỏ non ẩn bóng tử sinh
Mây tan gió thoảng, lá vàng rơi thu.
 
 Khom lưng mặt lắp ba tấc đất
Thẳng gối chân leo chín tầng trời.
Sự nghiệp trí tuệ từ bi
Tu phải học, học chuyên tu cúng dường
Liễu thông sinh tử vô thường
Giác ngộ giải thoát đạo vàng chân như.
 
 Quán khổ trên khổ não phiền
Quán thọ trên thọ vô thường trầm luân
Quán tâm sân hay vô sân
Quán pháp vô ngã tẩy trần thân tâm. 
 
Lục thời tay mõ tay chuông
Bồ đề sinh trưởng niết bàn đây kia
Lạc thọ, khổ thọ sương khuya
Hắt hiu nắng gió mộ bia mình mình!
 
Lãng đãng hương trầm hoa thoảng hoa
Ngàn sao giăng cánh dải ngân hà
Dừng chân bến mỏi chiều hoang vắng
Mặt nước hình ta lả bóng qua.
 
 Tử sinh lặn hụp sa bà
Hiểu tứ diệu đế liên hoa đón về
Trôi lăn giữa chốn lầm mê
Tham sân đọa lạc ngục tù còn đâu?
 
Đời ví tia chớp, ví mộng ảo
Thở ra không còn, còn chi ta?
 
"Liên hoa vi tiếu" khai hoa lòng
Trí tuệ từ bi đạo ngóng trông
Nhập định an nhiên tâm trí thản
Tham thiền tự tại bước thong dong.
 
Ta bà một trạm dừng chân
Nghiệp báo đổ nắng, vô thường trút mưa
Tu là lội ngược sóng đưa
Giải trừ tam độc, vẹt mù phủ che.
 
Đại thừa Bồ tát quay về
Hoàn toàn giác ngộ bước đi không chùng
Vô minh mấy cõi mịt mùng
Pháp luân thường chuyển trùng trùng nhân duyên
Tự giác giác tha chân nguyên
Giác hạnh viên mãn vin cành vô ưu!


Bửu Truyền